>>
Kỹ thuật gieo trồng giống ngô LVN10
Kỹ thuật gieo trồng

Hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng giống ngô lai LVN10.

LVN10 là giống ngô lai đơn trung bình muộn tương đương với giống DK888; do Viện Nghiên cứu Ngô lai tạo.

I- Đặc điểm giống

Giống có độ đồng đều rất cao, có khả năng thích ứng rộng, năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, cứng cây, chống chịu gãy đổ khá, đặc biệt là tính chịu hạn, chịu đất nghèo dinh dưỡng. Thời gian sinh trưởng thuộc nhóm trung bình muộn. Tính ổn định của giống LVN10 rất cao; LVN10 gieo trồng được tất cả các vụ trong năm và các vùng miền sinh thái trong cả nước.

* Đặc điểm hình thái và các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất

Chiều cao cây: 200 ± 20 cm; chiều cao đóng bắp: 100 ± 10 cm; số lá: 16-18 lá; chiều dài bắp: 20 ± 4 cm; đ­ường kính bắp: 4,2-4,5 cm; số hàng hạt: 12-14 hàng; số hạt /hàng: 40-45 hạt; trọng lượng 1000 hạt: 350-380gr ; màu-dạng hạt: màu vàng cam, dạng hạt bán răng ngựa; lá bi mỏng bao kín bắp, tỉ lệ hạt/bắp cao: 82-84%; tỷ lệ cây 2 bắp cao 40-60%; năng suất thường đạt 8-9 tấn /ha. Trong điều kiện thâm canh năng suất đạt tới 10 tấn /ha.

* Thời gian sinh trưởng: vụ Xuân: 120-135 ngày, vụ Xuân-Hè: 105-115 ngày, vụ Thu: 95-100 ngày, vụ Thu-Đông: 105-110 ngày.

II- Kỹ thuật gieo trồng

1. Thời vụ: Đối với vùng Tây Bắc: vụ Xuân-Hè: 20/3-30/4; đối với các tỉnh Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ: Vụ Xuân từ 15/1-10/2; vụ Thu từ 15/7-10/8; vụ Thu-Đông từ 15/8-15/9; Đối với các tỉnh miền Trung: vụ Xuân từ 15/1-10/2, vụ Thu-Đông từ 15/7-20/8, vụ Đông kết thúc trước 15/9;  đối với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên: vụ Đông Xuân: 15/11-15/12, vụ Xuân-Hè: 20/3-20/4.

2. Mật độ và khoảng cách: mật độ gieo trồng đạt  6,0-6,6 vạn cây/ha; nên gieo: hàng x hàng: 55-60 cm, cây x cây: 25-30 cm. Trong điều kiện cơ giới hoá, gieo bằng máy: hàng x hàng: 70 cm, cây x cây: 22 cm (mỗi hốc chỉ để 1 cây). Lượng giống gieo khoảng 16-20kg/ha.

3. Lượng phân bón đầu tư cho 1 ha và cách bón phân

- Lượng phân bón: Phân chuồng: 7-10 tấn; nếu không có phân chuồng nên dùng 2,0-2,5 tấn phân hữu cơ vi sinh; Đạm Urea 360-400kg, Lân Super 500-600 kg, phân Kali Clorua 140-160 kg.

- Cách bón phân: Toàn bộ lượng phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh và phân lân nên bón lót trước khi gieo hạt. Bón thúc chia làm 3 lần chính: lần thứ nhất lúc ngô có 3-4 lá thật: 1/3 lượng đạm + 1/2 lượng Kali; lần thứ hai lúc ngô có 7-9 lá: 1/3 lượng đạm + 1/2 lượng Kali; lần thứ ba lúc ngô xoáy nõn chuẩn bị trổ cờ: bón nốt lượng đạm còn lại.

4. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh

- Tỉa cây đảm bảo mật độ.

- Tưới nước khi cần, đặc biệt trước và sau khi trỗ cờ 10-15 ngày.

- Phòng bệnh Khô vằn: dùng VALIDACIN.

- Phòng sâu đục thân: dùng FURADAN 3H hoặc VIBASU.10H rắc vào nõn lúc ngô có 9-11 lá.

- Phòng rệp cờ: dùng PADAN95 SP phun khi ngô xoáy nõn sắp trổ cờ.

5. Thu hoạch: Thu hoạch khi ngô chín sinh lý, biểu hiện khi lá bi bao bắp chuyển sang màu vàng úa hoặc khô trắng, chân hạt đen mặc dù thân lá vẫn xanh.

6. Lưu ý

- Vụ Thu ở các tỉnh miền Núi phía Bắc nên gieo trồng sớm để tránh hạn cuối vụ; vụ Đông ở các tỉnh Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ không nên gieo trồng sau 15/9 tránh rét đậm rét hại.

- Không sử dụng hạt thương phẩm gieo trồng cho vụ sau.

- Hạt giống đã tẩm thuốc không ăn được.

- Bảo quản hạt giống nơi thoáng mát